Người dân đã có thể tra cứu trực tuyến thông tin đất đai tại Hải Phòng

Vân Anh Nhà báo

Xem các bài viết của tác giả

Qua Cổng thông tin đất đai thành phố Hải Phòng, các tổ chức, người dân có thể tra cứu một số thông tin cơ bản về thửa đất như diện tích, số thửa trên bản đồ, tình trạng pháp lý…

Cách làm mới trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Theo Sở TN&MT Hải Phòng, tại địa phương này, trong hơn 10 năm qua, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai đã bắt đầu được số hóa với rất nhiều dự án cụ thể. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa cao do đây là một khối lượng công việc lớn và phức tạp với rất nhiều quy trình, thủ tục.

Bài toán đặt ra cho giai đoạn hiện tại là phải làm sao để vừa đảm bảo đẩy nhanh tiến độ số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng quản lý tập trung thống nhất với các quy trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, đồng thời ứng dụng được ngay các dữ liệu đó để cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp nhằm tăng sự hài lòng của người dân với các dịch vụ của chính quyền.

Để giải quyết bài toán trên, Hải Phòng đã chọn Viettel Solutions là đơn vị tư vấn, thiết kế và triển khai Hệ thống thông tin đất đai của thành phố. Đến nay, hệ thống đã bước đầu được hình thành và vừa được UBND thành phố Hải Phòng khai trương, đưa vào vận hành chính thức.

Giao diện Cổng thông tin đất đai thành phố Hải Phòng. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng cho biết, để kịp thời ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đổi mới cách làm so với trước.

Cụ thể, thay vì chờ các dự án xây dựng xong CSDL đất đai mới đưa dữ liệu vào khai thác sử dụng như trước đây, dữ liệu thi công xây dựng đến đâu được tích hợp ngay vào phần mềm Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS để quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn thành phố. 

Cùng với đó, việc xây dựng CSDL được tiến hành song song giữa dữ liệu thi công của nhà thầu và dữ liệu cập nhật của Văn phòng Đăng ký đất đai khi giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân và doanh nghiệp trên phần mềm Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS. Do đó, lãnh đạo Sở TN&MT có thể trực tiếp giám sát, kiểm tra kết quả, tiến độ thực hiện của các đơn vị thi công.

Mặt khác, để cung cấp các dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở TT&TT và các đơn vị có liên quan kết nối, liên thông giữa phần mềm dịch vụ công trực tuyến với phần mềm VBDLIS. Hiện nay, người dân đã có thể nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hải Phòng, hồ sơ tự động chuyển tiếp qua phần mềm VBDLIS để cán bộ thụ lý thực hiện quy trình, thủ tục hành chính qua môi trường mạng Internet.

Hệ thống thông tin đất đai thành phố Hải Phòng hiện đã có dữ liệu số hóa của hơn 280.000 thửa đất. (Ảnh: Mai Anh)

Đại diện đơn vị tư vấn và triển khai cũng nhận định, hệ thống CSDL đất đai của Hải Phòng có thể triển khai sau nhiều địa phương, tuy nhiên Hải Phòng là 1 trong những tỉnh, thành đầu tiên triển khai hệ thống một cách đồng bộ, tổng thể và toàn diện trên quy mô toàn thành phố. Quá trình xây dựng dữ liệu được gắn với quá trình khai thác CSDL đất đai, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền khai thác và sử dụng.

Hệ thống thông tin đất đai của Hải Phòng được xây dựng trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng phần mềm nền tảng thống nhất trên toàn thành phố, phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…

Hệ thống gồm các tính năng nghiệp vụ chính như phân hệ địa chính; phân hệ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân hệ giá đất; phân hệ thống kê, kiểm kê đất đai và Cổng thông tin đất đai phục vụ người dân tra cứu thông tin. Hệ thống cũng được tích hợp với các hệ thống CNTT khác của thành phố như hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống thuế và kho bạc… 

Việc đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai đã giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý dữ liệu đất đai của thành phố Hải Phòng, tăng cường chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, hệ thống đã được triển khai tại 14/14 quận, huyện, đã có 270 tài khoản cho văn phòng đăng ký đất đai, 50 tài khoản cho các đơn vị thi công sử dụng. Đặc biệt, hệ thống đã có cơ sở dữ liệu số hóa của hơn 280.000 thửa đất, cùng khoảng 35.000 hồ sơ giao dịch đất đai được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống. 

Nhiều lợi ích từ việc vận hành thử nghiệm Cổng thông tin đất đai

Đại diện Sở TN&MT Hải Phòng khẳng định, việc đưa vào hoạt động hệ thống thông tin đất đai và vận hành thử nghiệm Cổng thông tin đất đai của thành phố tại địa chỉ hph.mplis.gov.vn, đã mang lại nhiều lợi ích.

Trước đây, thông tin đất đai do Sở TN&MT quản lý chưa được đăng tải trực tuyến. Khi có nhu cầu cung cấp dữ liệu đất đai, các cá nhân, đơn vị phải gửi văn bản yêu cầu để được nhận bản sao hồ sơ đất đai, được cung cấp tệp dữ liệu bản đồ, sau đó mới khai thác, sử dụng. Quá trình này phải có thời gian thực hiện khiến các tổ chức, cá nhân chỉ đến cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin khi rất cần thiết. 

Còn hiện nay, qua Cổng thông tin đất đai, các tổ chức, công dân có thể truy cập trực tuyến miễn phí tiếp cận các thông tin cơ bản về bản đồ, thửa đất, tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp còn tra cứu được thông tin về tình trạng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, thông qua mã số hồ sơ, số điện thoại hoặc căn cước công dân của người nộp hồ sơ. 

“Hiện chúng tôi đang tiếp tục xây dựng các dữ liệu về nền địa lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất,... Sau khi hoàn thành, các dữ liệu này cũng sẽ được chuyển tải lên nền tảng số để chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của từng cơ quan cũng như nhu cầu thông tin của xã hội”, đại diện Sở TN&MT Hải Phòng thông tin thêm.

Vân Anh

Tám giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Với trọng tâm năm 2023 là cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân sử dụng nhiều, đại diện Bộ TT&TT đề nghị các địa phương lưu ý thực hiện 8 giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công online.

Cần biến tài nguyên dữ liệu thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số

Nhấn mạnh quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chỉ rõ: Cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Người dân Huế có thể thanh toán tiền nước, dịch vụ vệ sinh qua Hue-S

Dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền nước và dịch vụ vệ sinh môi trường vừa được Thừa Thiên Huế chính thức cung cấp tới người dân toàn tỉnh qua ví điện tử trên nền tảng Hue-S.

Luật Giao dịch điện tử sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử phải tạo môi trường pháp lý minh bạch để doanh nghiệp chuyển đổi số, tháo gỡ các rào cản giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hộ chiếu gắn chip điện tử được cấp từ 1/3 có gì mới?

Hộ chiếu gắn chip sẽ lưu trữ nhiều thông tin hơn, bảo mật hơn và có thể làm thủ tục xuất nhập cảnh nhanh hơn.

Phi địa giới hành chính dịch vụ hành chính công

Mô hình dịch vụ hành chính công “phi địa giới hành chính” mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Xu hướng này dự kiến sẽ được triển khai rộng khắp cả nước thời gian tới.

“Huế méc” một ứng dụng, nhiều kết nối

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ứng dụng đô thị thông minh Hue - S đã được người dân Huế yêu mến gọi là “Huế méc” - kênh thông tin 2 chiều giữa người dân với chính quyền.

Đồng Tháp lập tổ phân tích dữ liệu giúp đề xuất giải pháp phát triển kinh tế xã hội

Một nhiệm vụ của tổ phân tích dữ liệu tỉnh Đồng Tháp là theo dõi, phân tích, đánh giá, chọn lọc dữ liệu tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh, đề xuất các giải pháp phục vụ chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giao dịch qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ tăng mạnh trong năm 2023

Với việc cả 6 cơ sở dữ liệu quốc gia đã kết nối qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP cùng cách làm mới của Bộ TT&TT, số giao dịch qua nền tảng số này được dự báo tăng mạnh trong năm nay.

Có thể giải bài toán của đăng kiểm bằng công nghệ số

Theo đại diện Viettel Solutions, chuyển đổi số sẽ giúp các hoạt động đăng kiểm diễn ra hiệu quả hơn, thời gian và chi phí được tối ưu; đặc biệt là hạn chế các sai sót khách quan, chủ quan trong hoạt động kiểm định.

Đang cập nhật dữ liệu !